Trương Vấn viết về nhà văn tài hoa Hoàng Ngọc Tuấn
Trương Vấn viết về nhà văn tài hoa Hoàng Ngọc Tuấn
Bích Huyền thực hiện
Thư Về Đường Sơn Cúc, Hoàng Ngọc Tuấn
Chân dung nhà văn Hoàng Ngọc Tuấn qua nét vẽ Hoàng Đặng.
Thư về đường Sơn Cúc (1)
Bạn Nhỏ,
Tôi sẽ suốt đời gọi em bằng tên đó, vì em đã tự đặt cho em khi gọi tôi là một người Bạn Lớn. Có những danh xưng bóng bẩy nào cũng không làm cho tôi rung động bằng tiếng gọi thô sơ nhưng chân tình ấy.
Chúng ta sẽ là người Bạn Lớn và người Bạn Nhỏ quen biết với nhau bằng một đường dây mỏng manh như tơ trời, nhưng tôi tin rằng chẳng bao giờ đứt đoạn.
Ngày tôi tình cờ nhận được lá thư của em, cây lá mùa xuân đâm chồi bừng sống trong tâm hồn tôi, mầm hoa mai vàng như nở trong da thịt tôi mặc dầu lúc đó trời mới bước vào mùa thu tháng tám. Nhưng cần gì những tháng ngày vô vị ghi trên tờ lịch, cần gì pháo Tết nổ vang trời, khi những chữ viết của em đã vẽ ra trong mắt tôi muôn ngàn hoài vọng về một chốn trần gian bát ngát của biển cả mà tôi đã đánh mất quá sớm khi mới chập chững vào đời.
Mùa xuân của tình thương, mái ấm gia đình và một quê nhà nhỏ nhoi, từ lâu tưởng đã chết hẳn trong tôi rồi, vì thời gian dài xa vắng quá.
Nhưng giờ đây, em đã làm sống lại hình ảnh yêu thương của tôi ngày cũ. Là trùng dương và cồn cát trắng chạy dài đón những đợt sóng rì rào.
Tôi chỉ đoán ra được hình bóng em rất lờ mờ. Một cô bé mười bẩy tuổi tóc bám đầy gió cát của một biển chiều, thơ thẩn đếm những dấu chân mình in lốm đốm trên nền cát, dấu chân son chóng bị xóa phai đi vì làn sóng nước. Chỉ có thế. Bãi biển của em xa tôi hàng mấy trăm cây số, chỉ cần qua một vài giọt mực tím loăng quăng, mà tưởng chừng như đang vuốt ve tôi ngọn sóng đêm vời vợi. Tôi muốn hỏi em là ai. Nhưng lời tôi chưa nói, em đã trả lời, mà cũng chẳng trả lời:
Ông có cần biết tên tuổi em không?
Em muốn sống không tuổi không tên(?) đang lững lờ giữa cười và khóc
Ở đây
Bạn thiết của em là rong mơ và còng gió
Dãy đụn cát ngút ngàn chạy theo bờ biển
Ðời sống
Với những đêm sóng gió dạo khúc nhạc buồn
Chao ơi là chùng lòng
Và thấy mình như cỏ úa…
Những chữ đã hết nhưng hơi thở của em tưởng chừng còn vương vương trên trang giấy mỏng. Tiếng thở dài đượm một chút âu sầu, như em vừa ngồi tâm sự với một chú dã tràng nằm nín thinh lắng nghe trong hang sâu lòng cát.
Tôi cúi đầu ngưỡng mộ ngôn ngữ của nước chúng ta. Có biết bao chữ than ôi, eo ơi, hỡi ơi… thế mà em chỉ nói chao ơi, hồn tôi cũng chùng xuống như những sợi dây đàn lắng đau theo ngón tay bấm của một bài sầu khúc.
Tôi cám ơn em. Những hình ảnh thơ dại và nỗi hạnh phúc thú vị tưởng đã bỏ tôi mà đi mất từ lâu rồi. Từ khi tôi bôn ba chen lấn giữa dòng đời kiếm sống, tan rã mất mát con người trong những thành thị hỗn loạn xô bồ, mồ hôi nhọc nhằn và khói bụi đen bẩn của phố phường như nhận chìm tôi chết đuối.
Tưởng chẳng có liều thuốc tiên nào chữa được cái đầu óc khô cằn kiệt quệ, tưởng chẳng có một bày tay nào ngăn được tôi ngã nhào trôi nổi theo dòng thác dơ bẩn.
Thế mà em, người Bạn Nhỏ xa xôi và xa lạ ấy đã lên tiếng. Tôi nghe một mùi hương cao quý thoang thoảng sau lưng, những bước nhảy điên cuồng của tôi đã kịp dừng lại trên bờ vực. Em mở nguồn cho suối yêu thương của tôi thoát chảy tuôn trào…
Tôi đã phục sinh, như một cánh đồng lúa chờ cơn mưa, hân hoan đón nhận những hạt nước từ bàn tay em gieo rắc.
Thư về đường Sơn Cúc (2)
Những ngày tiếp theo, em vẫn còn, và bao giờ cũng thế, nôn nao kể cho tôi nghe câu chuyện về miền biển của em. Cảnh trời đất bao la vời vợi đó làm sao nói cho hết được, làm sao tỏ cho hết được tấm lòng chúng ta yêu mến. Rồi em giới thiệu cho tôi làm quen với cọng cỏ chong chong.
Cỏ chong chong? Cái tên gì ngộ nghĩnh quá mà tôi chưa được nghe bao giờ. Có thứ cỏ đó thật sao, nó như thế nào, nó làm sao sống giữa cả một bãi cát nóng ánh mặt trời… Em hãy gởi cho tôi một ngọn cỏ, tôi nôn nóng thèm được xem lắm. Em trả lời:
Trời ơi sao ai xui khiến chi ông thích cỏ chong chong
Ngọn cỏ ấy khi gởi cho nhau
Là mang ý nghĩa giận hờn…
Gởi cỏ cho ông
Lỡ nó đi dọc đường nó buồn héo úa và chết
Ông vui chi khi nắm trong tay cỏ mục khô…
Không, có hề gì đâu. Nếu nó đến tay tôi thì đã mềm yếu không còn châm đau được, chẳng còn mang ý nghĩa giận hơn, mà chỉ là nụ cười xanh của em đó thôi.
Và em đã gởi. Dầu đường không xa lắm, bác đưa thư cũng làm cỏ gãy lìa rồi, nhưng tôi vẫn còn nhìn ra được một cọng cao gầy là tôi, cọng bé hơn là em, như em đã đặt tên cho chúng.
Rồi lần lần tôi cũng biết được tên em. Tình cờ đã khiến tên em nằm giữa lòng tên tôi. Ví dụ như tôi tên là Nguyễn Văn Ất thì em tên là Văn. Nhưng dĩ nhiên là chúng ta nên cám ơn mẹ cha đã không đặt cho những cái tên buồn tẻ ấy.
Tôi cũng đã nhìn thấy khuôn mặt của em. Như bóng nhỏ nhoi của một con kiến vàng nấp dưới chân đồi, tóc hình như còn ước nước biển và lấm tấm cát khiến tôi cũng thèm được trầm mình trong lòng nước mát xanh ấy, để gội rửa hết những bụi đường. Em cũng là người đồng hương với tôi nữa:
Hai nguồn thương lớn nhất đời của em
Cơ hồ chỉ có núi và biển
Tuổi thơ em lập lòe trên đầu non
Và lớn khôn trong sóng cả…
Tuy có lẽ chưa đến lúc cùng nhau nhìn về một hướng như lời của Exupéry, nhưng chúng ta đã cùng yêu thương một điều. Cũng như em, tôi có một tấm lòng mãi mãi hướng về thiên nhiên rộng lượng và cao cả, với màu sắc trinh tuyền lộng lẫy sơ khai. Cũng như em, tôi cũng thấy mình lẻ loi trong thế giới lạnh nhạt của loài người, vẫn còn thấy mang trong mình một chút rừng xưa của núi còn sót lại.
Ðêm nay ngồi đây, chung quanh tôi là âm thanh của còi xe, của máy phát thanh, máy truyền hình nhà hàng xóm thi nhau inh ỏi. Làm sao tôi còn lắng nghe tiếng gió biển như em được. Ðêm nay, ở căn nhà ven biển ấy, em thì thầm:
Gió lách qua cửa như những lưỡi dao cứa vào em
Chao ơi gió biển
Xin nhẹ tay
Em biết không, tôi đang muốn những ngọn roi thấm thía của gió quất vào thân người mà còn không được đó. Tôi sung sướng biết bao khi nghe em nói muốn san sẻ cho tôi đôi chút thế giới yêu dấu của em:
Em chả biết làm sao để gởi cho ông
Vỏ sò, đồi cát, hoa dại, biển cả…
Những lưỡi dao gió và những ngón tay của sóng
Và làm sao gởi vào cho ông một cái lồng đèn
Ðể trong lúc ngắm trăng
Ông có thể nhớ đến người bạn nhỏ…
Hãy gởi cho tôi thêm nhiều nữa. Gởi cho tôi cả mùi gió mặn đêm đêm trùng dương đưa vào qua cửa sổ, cho tôi mảnh vải tả tơi xé từ những cánh buồm phiêu bạt trở về, gởi cho tôi một miếng gỗ mục từ lớp vỏ thuyền sau bao ngày ngất ngư lạc lối trên sóng biển. Cho tôi nếm chút hương vị của bến bờ nuôi mộng viễn du, để tìm lại ngày xưa tôi cũng đã lang thang suốt ngày nơi ven biển, bồi hồi trông ngóng ra chân trời một cái gì thật xa xăm huyền ảo.
Tôi chỉ rất ít tiền cũng đủ sống, nhưng lòng tôi tham lam vô lượng những của cải của trần gian. Những cái không mất tiền mua mà những kẻ giàu sụ không sao có nổi.
Tôi và em, chúng ta chỉ có một đồng xu gọi tên là tình yêu, là rung động đón nhận ngây ngất, chúng ta có thể ôm trọn đất đai vào lòng một cách dễ dàng. Khi tấm lòng chân thành của chúng ta mở toang hết những cánh cửa để đón gió, khi bàn tay của chúng ta biết âu yếm vuốt ve, khi đôi môi của chúng ta biết nao nức thốt lên lời mời gọi, là thế giới này sẵn sàng ngã vào vòng tay ta như một đứa con ngoan ngoãn.
Em cũng đã báo trước cho tôi những mùa kỷ niệm:
Vu Lan
Chả biết ông cài hoa hồng hay hoa trắng
Ðể cài cho ông một đóa
Thôi em tạm vẽ một bông hoa trên giấy
Rồi ông sẽ tự ý nhuộm màu hoa
Tôi cũng may mắn còn có mẹ đó em, nhưng tôi không xứng đáng được cài một bông hoa hồng. Từ lâu tôi đã bỏ quên tình mẹ để chạy theo những bóng ảo quyến rũ trên đời. Tôi đã đánh mất tình mẹ cao đẹp để chỉ chứa đầy trong người những tham lam si dại.
Nếu có bông hoa màu đen nào dành cho một kẻ vô tình bạc hạnh, em hãy gởi nó cho tôi vì tôi chỉ đáng nhận sắc màu tăm tối ấy.
Thư về đường Sơn Cúc (3)
Căn nhà của em ở trên một con đường xác xơ ven biển, nhà không có số và gió đã thổi mất tấm bảng ghi tên đường. Nhưng có hề gì đâu, tôi sẽ gởi cho em về địa chỉ mới: Con đường Sơn Cúc, vì em nói mỗi ngày em đều đi qua đó:
Ông có biết loài hoa ấy không
Cả nhà gọi nó là cúc rừng
Chỉ mình em thầm gọi là hoa Sơn Cúc
Hoa vàng óng ả
Hoa vàng mật ngọt
Vàng rực rỡ cả một lối mòn
Ðược gọi là Ðường Sơn Cúc của em
Tôi thấp thoáng trông thấy hình bóng em chao mờ giữa một rừng hoa thắm. Mỗi sớm mai từ nhà đến trường, với cặp sách trên tay mà hồn đã bay lãng đãng đến tận cuối chân trời nào, một mình em lững thững, không hề nôn nóng vội vàng nhớ đến tiếng chuông reo vào lớp.
Em chê đường lớn
Dẫu rằng lối mòn dẫn đến trường lâu hơn
Vẫn thích một mình giữa đám lính hầu Sơn Cúc
Ðứng hai bên làm vòm che mát cho em…
Cả nhà gọi đùa em là cô bé quàng khăn đỏ
Nhưng đường dễ thương ấy
“răng” có sói thịt em nổi
Ở đây chỉ có nai
Bọn hắn mê xơi tái hoa cúc ghê lắm
Những cặp mắt nai
tia nhụy óng nhớ thương ngăn em kể lể
Rồi ngày nào em cũng băn khoăn
Vừa muốn về nhà lại vừa không
Như ông sẽ về thăm con đường của em không?
Hơn là muốn nữa chứ. Tôi quá thèm bay về miền biển đó, nhảy nhót trên con đường của em theo tiếng sóng vỗ vào ghềnh đá làm nhịp trống tưng bừng.
Tôi đã đi qua biết bao con đường. Những con đường chỉ đầy sỏi đá cắt chân và gai lửa, những con đường quê nứt nẻ tiêu điều chỉ có dấu chân người chạy loạn, những con đường thành thị với xe hơi bóng loáng và hành khất què cụt bước thấp bước cao. Những con đường đứt đoạn vì bị đặt mìn, những con đường đến bờ sông là đột ngột dừng lại vì nhịp cầu đã gãy đổ. Những con đường của mồ hôi và máu nhỏ ròng ròng, của bẫy chông và phục kích. Những con đường lỗ chỗ hố sâu vì bom đạn…
Tôi chưa được hạnh phúc đặt chân lên con đường Sơn Cúc của em một lần nào. Hãy để dành cho tôi, chia bớt cho tôi một nửa vệ đường, dầu là phần đầy gai và nóng bỏng. Dành hết cho em trọn cả con đường thênh thang tươi đẹp như tâm hồn em, con đường sẽ đưa em đến toàn những cánh cửa mở.
Nhưng em nói con đường Sơn Cúc ấy ngắn lắm, chỉ đi một lúc là hết, và đến đoạn đường khác:
Từ nhà em đến trường
Qua một gốc dương qua con phố nhỏ
Ngang công viên hoa dại, xuống dốc cầu nai
Em ghé vào hỏi thăm những lá cỏ
Ðể quên nỗi bực dọc khi phải tiếp tục đi qua
Những quán cà-phê đầy nhóc mấy ông con trai
Qua khu chợ lan ra tận đường
Chỗ sửa xe, hớt tóc, trại lính, thép gai…
Và như thế mới thấy thương Cây Mùa Ðông hơn
Bơ vơ lạc lõng đứng buồn hiu giữa âm thanh ngầu đục…
Rồi hôm nào gặp ông em sẽ kể cho nghe nhiều hơn
Về người bạn mang tên Cây Mùa Ðông của những năm còn nhỏ
Bây giờ cây trụi lá ấy đã bị người ta đốn ngã rồi
Em không biết có nên nhắc nhở lại người bạn cũ đó
Với một người bạn mới là ông nữa không?
Tôi cũng thấy thương cho người bạn cũ của em, mặc dầu hơi thèm địa vị của nó ngày xưa chắc đã thân thiết với em biết mấy. Mỗi khi có ai so sánh tôi với bất cứ một người nào, tôi rất bực mình. Nhưng giờ đây em coi tôi ngang hàng với một loài cây gầy âu sầu đó, tôi rất lấy làm hãnh diện.
Tôi chờ em, hãy tiếp tục kể cho tôi nghe những chuyện nhỏ nhặt hằng ngày, có vẻ tầm thường đối với nhiều người khác lắm, nhưng với tôi, đó là trái vừa chín ngọt ngào, thơm mùi đất thô sơ mà vẫn ngát hương mùi trầm thần tiên diễm ảo.
Thư về đường Sơn Cúc (4)
Hình như em có làm thơ. Ðừng, em. Em cần chi đến thơ nữa. Biển cả, mái nhà, con đường Sơn Cúc của em là thơ rồi. Tôi mong em một đời được bao phủ say sưa trong cõi thơ gần gũi đó.
Mỗi sáng em nói:
- Thưa mẹ con đi học.
Ðến chiều mẹ nói:
- Chiều nay con nhớ đem theo áo mưa, kẻo gặp trời mưa giông rồi con lại bị cảm.
Những lời nói ấy là thơ rồi đó em. Những bài thơ tuyệt vời nhất mà ngày xưa tôi đã vô tình không màng đến, bây giờ chỉ còn nghe trong hoài tưởng.
Ðêm đêm, sau khi học thuộc bài xong (và viết thư cho tôi) em hãy nằm trùm kín chăn, chỉ chừa có đôi tai để lắng nghe bài thơ quý giá của một nhà thơ vĩ đại nhất dành đọc riêng cho em. Ðó là tiếng gió lay động lao xao hàng dương liễu, tiếng mưa hắt từng sợi đập rào rào vào cánh cửa kính, xa xa giọng trầm buồn cô tịch của sóng đều đặn vỗ về. Có bài thơ nào làm em xúc động man mác hơn bài thơ không lời của thiên nhiên, kẻ hào hoa và rộng rãi chẳng cần em bỏ tiền ra mua thơ, kẻ sang sảng ngâm thơ từ ngàn đời đến khô cả giọng mà có ai thèm nghe đâu. Và em chỉ cần hồn nhiên đón nhận như một cành hoa rung rinh đón gió, thơ sẽ ngập tràn vào em, em sẽ tan hòa trong niềm ngây ngất kỳ diệu đó.
Em cũng chẳng cần, chẳng nên làm một thi sĩ nữa.
Em có biết chăng… Thi sĩ, kẻ phải đi qua suốt hành lang băng giá của cuộc đời, để thắp lên cho tim người ánh lửa nồng ấm.
Thi sĩ, kẻ phải chịu tước da xương nhỏ máu, ép lấy xác thân, để dâng hiến cho đời một chút hương hoa tinh túy.
Thi sĩ, kẻ đã khóc hết nước mắt mới cho chúng ta được nụ cười. Kẻ đã cười say như điên dại để làm cho chúng ta nhỏ lệ.
Như thế đó, tôi ngưỡng mộ những thi sĩ biết bao nhưng cũng vì thế, tôi thực tình muốn em chỉ là một tâm hồn chơn chất thơ dại, suốt đời bình yên làm chiếc túi hứng đầy quà tặng của đời, chứ đừng mang định mệnh nghiệt ngã vào người, phải dấn mình trong giông bão.
Em có chép cho tôi mấy câu thơ của Hàn Mặc Tử:
“Anh nằm ngoài sự thực
Em đứng trong chiêm bao
Cách nhau xa biết mấy
Thương nhớ quá thì sao?”
Tôi và em, chúng ta nên cảm tạ Hàn Mặc Tử và những nàng thơ của chàng. Một đời chàng làm thơ tài hoa đắm đuối cho người, và hôm nay, chàng chỉ gởi riêng đến cho chúng ta. Ta hãy cắn ngập trái thơ chua lịm người trong miệng. Và cám ơn chàng thêm một lần nữa, rồi để cho chàng yên ngủ. Chúng ta cần phải tự đánh thức những tình cảm còn nằm sâu kín trong ta, chắp cho nó đôi cánh, trút cho nó hơi thở, mớm cho nó ánh sáng để nở hoa tươi tốt sống động với đời.
Em cũng đừng mơ chi đến những phương trời xa mộng ảo. Hãy ôm ấp lấy mọi điều em đang có trong tay. Những sáng trong lớp ném thư cho con nhỏ bạn bên kia bàn, những chiều nghỉ học nô đùa phá phách cùng với mấy chị em trong nhà, những đêm quây quần cùng gia đình trước mâm cơm bốc lên khói ấm.
Cứ tha hồ rong duổi tâm hồn theo cánh buồm xa, nhưng đừng bỏ quên những điều êm đẹp đang gần gũi bên cạnh mình. Hãy gọi nó là hạnh phúc rồi chính đó là hạnh phúc. Tôi đã phải phí bỏ hết cả một thời tuổi trẻ của tôi, lăn lóc quay cuồng mệt nhọc giữa đời, đốt cháy biết bao nhiêu ngày tháng và hao mòn biết bao tim óc, mới khám phá ra điều đó. Quá muộn với tôi nhưng còn kịp đối với em.
Em có biết kẻ giang hồ bạt mạng nhất mơ ước gì không? Rồi hắn cũng sẽ mơ về một mái ấm, thèm được nằm trong một ổ rơm, hay dưới một mái hiên trong khi bên ngoài trời giông bão. Tôi đã qua những trạm, ga, những chặng đường lữ thứ, những quán trọ bên đường có vẻ đẹp rất man dại, những nơi chốn thật xa lạ trên cao nguyên, ven biển hay đồng bằng mà tôi chỉ dừng chân trong khoảnh khắc để xôn xao trong lòng cái cảm giác thích thú lạ lùng. Giờ em có biết tôi mơ ước gì không? Tôi thèm được ngồi im lặng trong góc tối xó xỉnh dưới một mái nhà, lắng nghe tiếng củi nổ lốp bốp trong lò sưởi và thầm mong trời đêm nay cứ đổ mưa lớn thêm nữa để tôi được cuộn mình trong chăn như con sâu cuốn chiếu.
Thế mà đâu dễ dàng có được điều tầm thường đó em. Gió đã thổi lên và đời sống đã mở máy chạy ào ào, tôi trót bị cuốn hút như chiếc lá me non trong cơn gió lớn, tôi chẳng dừng chân được nữa.
Nên bây giờ tôi ao ước em hãy khoan bay bổng biền biệt trong vòm trời, không phải có bướm hoa thôi đâu mà còn có những cơn mưa đá và bão tố nữa đó.
Thư về đường Sơn Cúc (5)
Ðêm giao thừa, ngày mồng một…
Sao mà tôi sợ những cái chữ đó quá. Mấy năm nay cứ tới những ngày năm cùng tháng tận, tôi xót xa đến lặng người. Ngày Tết linh thiêng tưng bừng đó, tôi có biết gì đâu. Cứ mỗi năm thấy chợ búa phố phường rộn rịp ngập người, rồi một sớm mai nào đó nhìn những tà áo mới sặc sỡ khoe màu trước ngõ, mới bàng hoàng biết là mình vừa lớn thêm một tuổi.
Nhưng năm nay, tôi quyết không sợ mùa xuân sắp đến nữa. Thiên hạ cứ tung tăng nhởn nhơ bên nhau đi, cũng chẳng làm tôi thấy lẻ loi đâu. Vì tôi đã CÓ em rồi.
Giờ đây, những trang giấy đầy chữ viết nghịch ngợm nhảy múa của em trước mặt tôi, chữ nối tiếp với chữ, lời nối tiếp với lời, đã thổi bùng lên hơi ấm nồng nàn của một người dầu đang ở nơi xa, nhưng tâm hồn đã thật gần, đã thật chan hòa đậm đà trong tôi rồi…
Em cứ yên trí mà hưởng một cái Tết linh đình với gia đình thân yêu như thường lệ. Ở đây, tôi cũng ăn Tết một cách linh đình không kém gì em đâu. Bằng những lá thư của em, một cái Tết thịnh soạn cho tôi đang bày cỗ. Chữ mực xanh đang may màu áo mới, lời nở những bông mai vàng rạng rỡ, ý tình châm đốt tiếng pháo xuân rộn ràng.
Em thấy đó, tôi cũng ăn một cái Tết huy hoàng đấy chứ, còn sớm hơn tất cả mọi người nữa đó.
Dầu những câu thơ tựa ý Quỳnh Dao của em vừa gửi đến cho tôi thật hay, thật “phù du ảo ảo”:
Chỉ đến một lần như mơ tiên
Này người là hoa hay là sương?
Nửa khuya thoáng hiện bình minh biến
Níu mây trời hỏi một làn hương.
Nhưng tôi vẫn tin rằng sợi tơ trời nối kết giữa chúng ta, cho dù nó mỏng manh đến đâu nhưng chắc chắn không phải là một cái gì “thoáng hiện” rồi biến, mà là vĩnh cửu đời đời, tơ chùng nhưng không đứt. Em cũng đừng giận hờn gì tôi đến nỗi một ngày nào biến mất đi, để cho tôi chới với một mình giữa thế giới buồn bã lạnh lùng này, níu mây trời thì không tới và có biết ngôn ngữ của trời đâu mà hỏi thăm.
Và tôi cũng chẳng thắc mắc em là hương hay là hoa gì đâu. Em là em, là Người mới vui chứ.
TÁI BÚT:
Bạn Nhỏ,
Năm mới, cho tôi hôn em, ở nơi trán…
Hoàng Ngọc Tuấn